Luật Dân quân tự vệ

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ:

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.

- Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân (QĐND), Công an nhân dân (CAND) và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.

- Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định, quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ: Ngày 28 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Dân quân tự vệ.

Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình:

- Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia DQTV; nếu tình nguyện tham gia DQTV thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

- Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV tại chỗ, DQTV cơ động, DQTV biển, DQTV phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị DQTV được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định.

Quy định việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV:

Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Tiêu chuẩn được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ, gồm:

- Lý lịch rõ ràng.

- Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của DQTV.

Những trường hợp được tạm hoãn tham gia DQTV:

- Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

- Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của DQTV.

- Có chồng (vợ) là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức (CC), viên chức (VC), công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong QĐND.

- Có chồng (vợ) là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong CAND.

- Có chồng (vợ) là cán bộ, CC, VC, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận.

- Vợ (chồng), một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

- Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Những trường hợp được miễn tham gia DQTV:

- Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;

- Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên.

- Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Người làm công tác cơ yếu.

Về chế độ, chính sách:

- Các chức vụ chỉ huy DQTV được hưởng phụ cấp chức vụ.

- Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng, bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; nếu chưa tham gia BHXH, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc thì được trợ cấp một lần.

- Phó Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, các chức vụ chỉ huy đơn vị dân quân cơ động, dân quân thường trực được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự.

- Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó BCHQS cấp xã có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên.

- DQTV khi thực hiện nhiệm vụ hoặc đang là học viên đào tạo Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã ngành quân sự cơ sở được hưởng chế độ, chính sách sau:

+ Trường hợp không tham gia BHYT, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

+ Trường hợp không tham gia BHXH, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

+ Trường hợp bị thư­ơng thì được xét hưởng chính sách nh­ư thư­ơng binh, nếu hy sinh thì đ­ược xét công nhận là liệt sĩ theo quy định.

- Chế độ, chính sách đối với dân quân khi làm nhiệm vụ:

+ Đối với dân quân tại chỗ, cơ động, phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.

Khi làm nhiệm vụ trên biển được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về.

- Đối với dân quân biển được hưởng chế độ, chính sách như dân quân tại chỗ; khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn tăng thêm; trường hợp là thuyền trưởng, máy trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển.

- Đối với dân quân thường trực được hưởng chế độ, chính sách như dân quân tại chỗ; được hưởng trợ cấp một lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình; được hưởng chế độ BHXH; BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ QĐND Việt Nam đang tại ngũ; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.

- Đối với tự vệ khi làm nhiệm vụ được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo quy định; đối với tự vệ biển khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng thêm lương, ngạch bậc và tiền ăn tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển

          Trên đây là một số quy định trong Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22/11/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 ./. 

Người tuyên truyền: NTH

Bình luận :