Hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời ” năm 2019
Thực hiện văn bản số 4304/SGDĐT-GDTX-CN ngày 27/9/2019 về hướng dẫn tổ chức "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Kế hoạch số 06/KH - UBND của UBND huyện Quốc Oai V/v tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2019. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Hòa cùng không khí tưng bừng của cả nước, hôm nay ngày 7 tháng 10 năm 2019 trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai tổ chức phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” với chủ đề “Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập ”
Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời có sự tham dự của toàn thể cán bộ giáo viên và gần 1500 học sinh nhà trường, trong buổi phát động cô giáo Tống Thị Hà đã nói rõ việc học tập là quyền lợi, là nghĩa vụ không chỉ của riêng ai, không giới hạn ở một độ tuổi nào. Mục đích học tập, chương trình học tập, loại hình học tập thì phong phú đa dạng. Thời gian học ngắn, dài khác nhau. Độ tuổi học, loại hình học tập khác nhau. Nhưng dù bất kỳ loại hình học tập nào thì nhu cầu học tập của mỗi con người là không giới hạn về thời gian và tuooit tác đó chính là việc học tập suốt đời của mỗi con người.
Buổi phát động cũng chứng minh một lần nữa cho các em học sinh thấy trong lịch sử nhân loại đã có nhiều tấm gương nỗ lực trong học tập, tự học tập suốt đời và trở thành những người vĩ đại. Nhà bác học Darwin người phát minh ra thuyết tiến hóa mà cả nhân loại đều thán phục đã từng dạy con gái rằng “là Bác học không có nghĩa là ngừng học” và ông là tấm gương học tập suốt đời hay Lê Nin nhà lãnh tụ vĩ đại của cuộc cách mạng vô sản tháng Mười Nga từng dạy cán bộ nhân dân phải “Học, học nữa, học mãi” và ông cũng chính là tấm gương học tập không ngừng. Còn gần chúng ta nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương học tập suốt đời, Người từng nói “Sự học là vô cùng ”, việc Bác biết và sử dụng thành thạo 10 ngoại ngữ chủ yếu là nhờ sự tự học. Có thể nói cuộc đời của Bác là một quá trình vừa tự học, vừa hoạt động cách mạng. Qua học tập, tự học tập và làm Cách mạng Bác không ngừng hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.
Để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và noi gương các thế hệ đi trước, đồng thời hưởng ứng quá trình học tâp, tự học tập cán bộ, giáo viên nhà trường đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh “Người thầy đi tới” trong mắt học sinh. Đó là những người thầy sau những giờ lên lớp vẫn xuất hiện trong các lớp học sau Đại học, tham gia đầy đủ các buổi Hội thảo, chuyên đề như thầy Nguyễn Quang Ngọc, Cô Nguyễn Thị An Thái, Cô Lê Thị Quyên, cô Mai Ánh Vân, cô Phạm Thị Thùy Linh, thầy Nguyễn Đăng Thuyết v.v các thầy cô vẫn luôn lặng lẽ truyền cho các em niềm nam mê tri thức và tinh thần học tập, tự học tập không ngừng.
Qua buổi phát động cô giáo Tống Thị Hà cũng cho các em thấy được mỗi bản thân từng học sinh phải xác định rõ nhiệm vụ học tập suốt đời là rất quan trọng, là nhiệm vụ trước mắt của mình nên phải tự giác học, chuyên cần, tích cực, chủ động trong học tập. Học từ sách vở, học ngoài xã hội, học ở thầy cô, học ở bạn bè, học kiến thức tự nhiên, kiến thức khoa học xã hội, lịch sử, nhân văn. Học cách sống và đạo lý làm người để sau này sẽ là những công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó các em cũng phải biết cách xác định mục đích của việc học tập của mình vì không chỉ học để lấy kiến thức mà còn giúp các em biết chung sống, biết chia sẻ, cảm thông… như lời nhận định của UNESCO “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” vì chỉ khi có được mục tiêu học tập đúng đắn các em mới xác định rõ phương pháp học tập để mang lại kết quả tốt nhất, điều đó đặc biệt quan trọng đối với học sinh- những chủ nhân tương lai của đất nước. Đúng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói :"Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình..."
Kết thúc mỗi phát động cô Tống Thị Hà thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xin hứa sẽ nỗ lực xây dựng hình ảnh “Người thầy đi tới “ trong mắt học sinh, luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo để truyền cho cho các em niềm đam mê tri thức, ham học hỏi, tự học lẫn nhau nhằm góp phần thực hiện hóa ước mơ của mình. Tinh thần này mãi là hành trang để mỗi thầy trò trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai chinh phục và khám phá đỉnh cao tri thức của nhân loại với thông điệp: “Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công”.
Thực hiện: Tống Thị Hà
Duyệt: Nguyễn Thị Huệ
Bình luận :