Hướng dẫn phương pháp học và ôn thi THPT môn Địa lí

Môn Địa lí là môn học không quá gây khó khăn đối với các em học sinh lớp 12. Tuy nhiên nếu các em không biết cách học và ôn tập thì rất dễ nhầm lẫn dẫn đến sai kiến thức hay nhớ lộn kiến thức từ vùng này sang vùng khác... Để giúp các em có phương pháp ôn thi tốt môn Địa lí nhằm đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT sắp tới, những thông tin của cô dưới đây sẽ định hướng và giúp cho các em có được phương pháp ôn tập hiệu quả môn học này:

1. Hiểu rõ cấu trúc đề thi, đặc biệt cấu trúc đề minh họa của Bộ năm 2023

Đề minh họa của Bộ năm 2023 gồm 40 câu, trong đó 21 câu lý thuyết về nội dung kiến thức lớp 12 gồm chủ đề Địa lí tự nhiên có 04 câu; Địa lí dân cư 02 câu; Địa lí các ngành kinh tế có 07 câu; Địa lí các vùng kinh tế 08 câu và 19 câu về kỹ năng  trong đó 15 câu kiểm tra kỹ năng khai thác Átlát Địa lí Việt Nam, 02 câu kỹ năng biểu đồ, 02 câu kỹ năng bảng số liệu. Các câu 74,75,76,78 là những câu hỏi khó, các phương án với độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn nên các em phải chú ý và nắm chắc kiến thức.

2. Nắm được kiến thức trọng tâm của từng chủ đề

- Chủ đề Địa lí tự nhiên: cần nắm chắc về vị trí địa lí, các đặc điểm chính của tự nhiên Việt Nam; đặc điểm khí hậu các em cần phải hiểu được và giải thích được biểu hiện cùng nguyên nhân của tích chất nhiệt đới- ẩm- gió mùa; biết được nguồn gốc, hoạt động và tính chất của từng loại gió; cũng như trả lời được nhân tố nào gây ra mưa nhiều hay khô hạn cho một khu vực hay vào thời gian nào của năm…

- Chủ đề Địa lí dân cư: các em cần nắm được mối tương quan giữa dân số với lao động và việc làm cũng như đặc điểm Đô thi hóa hiện nay của nước ta, cùng các biện pháp giải quyết việc làm ở thành thị- nông thôn như thế nào?

- Chủ đề Địa lí các ngành kinh tế: các em nên học theo từng ngành kinh tế một, trong mỗi ngành phải nắm bắt khái quát được các ý chính như vai trò, thế mạnh, hạn chế cũng như hiện trạng cùng giải pháp để phát triển ngành đó như thế nào?

- Chủ đề Địa lí các cùng kinh tế : thường có nhiều câu hỏi khó có tính vận dụng thấp và vận dụng cao nên trước hết các em phải dựa vào Átlát để xác định vị trí, phạm vi và phân biệt được từng vùng kinh tế trên bản đồ. Mỗi vùng kinh tế cần học theo vấn đề nổi bật của vùng là gì ví dụ vùng Đông Nam Bộ vấn đề nổi bật là  khai thác lãnh thổ theo chiều sâu hay vùng đồng bằng sông Hồng là vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành; vùng đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên…

Bên cạnh đó các em cần phân biệt được các đặc điểm tự nhiên, kinh tế của từng vùng từ đó vận dụng vào để giải thích các thế mạnh, hạn chế cũng như biện pháp phát triển kinh tế của mỗi vùng.

- Phần kỹ năng Địa lí là phần dễ lấy điểm nhất nên các em cần chú trọng hơn  như rèn luyện kỹ năng nhận xét bảng số liệu có câu cần vận dụng kỹ năng tính toán như tính tốc độ xem đối tượng địa lí nào tăng nhanh tăng chậm, tăng nhiều, tăng ít như thế nào; phần kỹ năng nhận xét biểu đồ hay nhận diện biểu đồ cần tìm ra từ khóa như tốc độ tăng trưởng, cơ cấu hay quy mô và cơ cấu …để chọn đáp án đúng dễ dàng. Kỹ năng khai thác Átlát cần hiểu được hệ thống ký hiệu trên bản đồ; xác định phương hướng, khoảng cách, kích thước, hình thái và vị trí của đối tượng hay ở câu hỏi phức tạp hơn đòi hỏi sự kết hợp cả kiến thức đã học và nhiều trang Átlat…

3. Phương pháp học dễ nhớ

- Khoanh vùng kiến thức cần ôn dựa trên đề thi tham khảo đây là bước đầu tiên cần làm để xác định phạm vi kiến thức, sau đó hệ thống lại và đưa ra định hướng ôn.

- Kiểm tra kiến thức của bản thân xem phần nào chưa nắm rõ từ đó bổ sung thêm và hoàn thiện kiến thức.

- Vẽ sơ đồ tư duy sẽ giúp các em dễ nhớ, dễ học hơn, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn kiến thức.

- Nắm chắc kỹ năng khai thác Átlát vì Átlát là một công cụ hữu hiệu trong cả quá trình ôn tập và làm bài, đây là cuốn tài liệu được mang vào phòng thi nên cần sử dụng triệt để để khai thác các kiến thức như địa danh, số liệu, biểu đồ, mối quan hệ giữa các đối tượng… tất cả đều có trên Átlát từ đó các em có thể phân tích để tìm ra kiến thức hay lý giải được nguyên nhân của vấn đề …

- Học cách nhận diện biểu đồ thông qua từ khóa hay những loại câu hỏi nào sẽ tương ứng với loại biểu đồ nào…

- Biết cách đọc và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu : ở kỹ năng này các em cần xác định đúng yêu cầu của đề bài, chú ý đọc tên bảng số liệu, các tiêu đề trong bảng, đơn vị tính, so sánh các số liệu theo cột dọc hay hàng ngang hoặc cần tính toán xử lý số liệu, đọc bảng chú giải của biểu đồ… để chọn được đáp án đúng.

4. Lưu ý khi làm bài thi

- Đọc kỹ đề : đây là một khâu quan trọng, tránh đọc qua loa dẫn đến hiểu sai câu hỏi, nhầm lẫn hoặc làm bài không đúng, đủ yêu cầu đề.

- Xác định đúng nội dung câu hỏi: xem nội dung câu hỏi nằm ở phần nào của chương trình, thuộc chủ đề nào từ đó giúp các em nhớ lại kiến thức dễ dàng hơn hay tìm trang Átlát để tái hiện thêm kiến thức từ đó chọn được đáp án đúng.

- Không dành nhiều thời gian vào các câu hỏi khó mà hãy làm theo quy tắc dễ làm trước, khó làm sau, làm đâu chắc đó.

- Tận dụng tối đa cuốn Átlát Địa lí vì nó có thể giúp các em tái hiện lại kiến thức ở những phần nội dung không nhớ hay khó.

- Hiểu cấu trúc đề để phân bổ thời gian làm bài cho hợp lý và không quên tô đáp án vào phiếu trả lời cũng như không bỏ trống câu nào không tô./.

Thực hiện : Cô giáo Tống Thị Hà
Duyệt đăng: DangNguyen

Bình luận :