Hội thảo “Văn hóa đọc trong trường học”
Thực hiện sự chỉ đạo của BGH nhà trường, nhận thức được sự cần thiết cần phát triển văn hóa đọc, ngày 13 tháng 10 năm 2022, BGH trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai đã long trọng tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong trường học”.
Hội nghị đã diễn ra với sự tham gia đông đảo của các thầy cô giáo nhà trường. Mở đầu hội nghị, cô Nguyễn Thị Huệ - Phó hiệu trưởng nhà trường đã nêu ra sự cần thiết của việc đọc sách – tự học.
cô Nguyễn Thị Huệ- PHT phát biểu khai mạc
Cô Huệ nêu vấn đề: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí” nghĩa là “Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường.” Dẫn lời của cụ Nguyễn Duy Cần trong cuốn “Tôi tự học”, cô khẳng định: mục đích của sự học “không chỉ để mưu sinh, thu về danh lợi mà quan trọng nhất là để mưu cầu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng.” Để sự học có hiệu quả thì cần phải biết đọc sách tinh hoa, đọc cuốn sách của tâm mình, thật biết những điều mình đã biết, cần nỗ lực chăm chỉ, nhưng quan trọng hơn cần phải có phương pháp.
Hội nghị tiếp tục với phần chia sẻ của cô Nguyễn Thị Lệ Thu – Giáo viên môn Ngữ văn. Cô Thu bắt đầu phần chia sẻ với việc nêu lí do vì sao cần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Thực trạng văn hóa đọc của xã hội ta hiện nay rất đáng lo ngại, trung bình một năm người Việt đọc 0.8 cuốn sách, dành 7 giờ mỗi ngày lướt internet, trong đó có 2,5 giờ cho mạng xã hội. 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt một năm. Điều này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại về đạo đức, lối sống trong xã hội, và về vấn đề thực học trong giáo dục.
cô Nguyễn Thị Lệ Thu báo cáo các bước triển khai VHĐ
Cho nên việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường là một trách nhiệm cần thiết, lâu dài của tất cả giáo viên để góp phần thay đổi thói quen đọc, thói quen tự học của học sinh, rộng hơn là của toàn xã hội. Muốn làm nên cuộc cách mạng văn hóa đọc thì trước hết phải bắt đầu bằng cuộc cách mạng bản thân, mỗi giáo viên phải tự có thói quen đọc mỗi ngày, biết lựa sách hay, sách hữu ích, biết cách đọc, có phương pháp đọc, biết cách ứng dụng vào trong cuộc sống và biết lan tỏa văn hóa đọc cho gia đình, cộng đồng. Văn hóa đọc luôn gắn liền với văn hóa sống có kỉ luật, sống nâng đỡ, sống hiểu biết, sống tỉnh thức, sống hiệu quả, sống cống hiến.
Cô Thu nhấn mạnh, bắt đầu từ người giáo viên, văn hóa đọc sẽ lan tỏa tới học sinh. Việc bồi đắp văn hóa đọc cho học sinh là một hành trình lâu dài, mưa dầm thấm lâu với các bước tuần tự như sau:
1.Hướng các em tới việc học hỏi noi gương các bậc danh nhân, vĩ nhân bằng cách kể cho các em nghe những câu chuyện vĩ nhân trong các giờ học (sao cho phù hợp với tình huống sư phạm và mục đích giáo dục) để các em nhận ra cách họ say mê nghiên cứu, học tập, cách họ nỗ lực vượt qua khó khăn để thành công, hy sinh vì người khác, chịu khó quan sát… để tạo ảnh hưởng tốt cho các em – thay thế dần tầm ảnh hưởng của các ngôi sao ca nhạc, tiktoker, youtuber giải trí nhan nhản bây giờ.
2.Cùng học sinh chỉ ra, liệt kê những vấn đề của các em như thiếu mục tiêu sống, gặp vấn đề trong các mối quan hệ bạn bè, cha mẹ; gặp khó khăn trong phương pháp học tập, thiếu tự tin, chán nản; lười biếng, thụ động….. Từ đó, lập kế hoạch đọc một cuốn sách hoặc một chương trong cuốn sách phù hợp với nhu cầu học hỏi.
3.Thưởng cho học sinh thay vì dùng tiền thì dùng sách hay, sách tinh hoa. Phạt những học sinh vi phạm cũng bằng cách yêu cầu đọc sách (có nội dung giáo dục tương ứng với vi phạm của học sinh).
4.Hướng dẫn học sinh lựa chọn sách, biết lựa sách hay, sách tinh hoa, sách đạo lí để đọc.
5.Chỉ dẫn cho học sinh cách đọc sách: Đọc kĩ, nhiều lần, tìm ra ý chính, ý hay, đúc kết thành sơ đồ vận hành; suy ngẫm, chỉ ra những điều sẽ làm sẽ ứng dụng ngay trong cuộc sống. Sau khi đã ứng dụng, cần soi xét lại, xem điều mình ứng dụng đã hiệu quả chưa, nếu chưa thì cần tìm nguyên nhân và tìm cách cải tiến.
6.Tổ chức cho học sinh chia sẻ trước lớp hoặc trước toàn trường (bằng nhiều hình thức) những điều mình đã học được và ứng dụng được trong sách.
7. Tổ chức cho học sinh toàn trường cuộc thi “ Giới thiệu sách” qua đó sẽ kích thích các em đọc sách, lựa chọn sách.
Hội nghị đã diễn ra trên tinh thần trao đổi cởi mở, sôi nổi với nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp của các thầy cô giáo, nhiều cuốn sách tinh hoa đã được trao tặng. Cuối cùng, hội nghị đi đến thống nhất, đưa văn hóa đọc vào tiết sinh hoạt lớp ngay trong tháng 10, lập câu lạc bộ đọc sách, liệt kê các danh mục sách hay, sách tinh hoa để bổ sung cho thư viện nhà trường.
các thầy cô phát biểu phần thảo luận
Hội nghị kết thúc với lời tri ân dành cho Hành trình văn hóa đọc của GNH trí tuệ Việt Nam đã góp phần rất lớp thắp lên ngọn đuốc của lòng hăng say học tập của các thầy cô giáo trong nhà trường THPT Cao Bá Quát- Quốc Oai nói riêng và nhiều mái trường, nhiều gia đình trong cả nước nói chung.
các thầy cô giáo nhận sách từ phần thưởng trả lời các câu hỏi
Với mong muốn đưa “ Văn hóa đọc vào nhà trường” rất cần sự chung tay của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh và toàn xã hội. Qua Hội thảo, với sự quyết tâm của đội ngũ các thầy cô giáo Lãnh đạo nhà trường, GVCN các lớp chúng ta tin tưởng rằng bước đầu sẽ đem lại kết quả tốt đẹp ./.
Người thực hiện: Nguyễn Thị Lệ Thu
Người duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ
Bình luận :