CẢM ƠN VÀ XIN LỖI !

Những câu chuyện về lời cảm ơn và xin lỗi có lẽ chẳng bao giờ thừa để nhắc đến trong một cuộc sống xô bồ như hiện nay. Với học sinh, nói lời cảm ơn và xin lỗi không chỉ là văn hóa mà còn là biểu hiện của một học sinh văn minh, thanh lịch.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt là sự hấp dẫn của mạng xã hội như hiện nay, con người dường như đang ngày càng hạn chế giao tiếp với nhau. Vì vậy, việc nói lời cảm ơn hay xin lỗi càng trở nên khan hiếm, mặc dù đây là những câu nói giản đơn và cơ bản nhất mà ta đã từng được học ngay khi mới bi bô học nói.

Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh,lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi ta nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi một cách chân thành, một mặt sẽ phản ánh nhân cách, trình độ văn hóa của chính chúng ta, mặt khác sẽ giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn. Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem đến niềm vui cho người nhận mà còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, hóa giải mâu thuẫn… Con người cũng vì thế mà sống ôn hòa, vị tha hơn.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là chúng ta càng ngày càng ít nghe thấy lời cảm ơn, xin lỗi, đặc biệt là từ những người trẻ tuổi. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?Có người cho rằng, trong thời đại công nghiệp, con người luôn sống vội, sống gấp nên đã vô tình lãng quên hai từ cảm ơn và xin lỗi… Còn theo em, nguyên nhân của tình trạng này là do ngày nay, các bậc phụ huynh dành thời gian đi kiếm tiền nhiều hơn là dạy dỗ con trẻ cách cư xử sao cho phải phép.  còn một nguyên nhân nữa là lâu nay, như một luật lệ bất thành văn, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi mà nhiều người lớn không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi giao tiếp với người khác. Người lớn-tấm gương của con trẻ - lại hiếm khi xin lỗi khi mắc sai lầm. Bậc cha mẹ cho rằng họ không có trách nhiệm phải xin lỗi con cái cho dù họ trách mắng con trẻ sai hay phạm sai lầm trước mặt chúng. Chính những hành động ấy tác động vào tiềm thức của trẻ em một lối sống và hành vi tiêu cực. Thậm chí em còn từng chứng kiến cảnh cha mẹ ra đường với con nhỏ ngồi sau có nhỡ va quệt vào người tham gia giao thông,họ vẫn sẵn ng buông những lời mắng chửi thậm tệ như “không biết đi à”, “mắt để đâu mà không biết nhường đường”... Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, vậy nên có khi nào sự suy đồi văn hóa cảm ơn, xin lỗi đã bắt nguồn từ cha mẹ?

Cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ khiến cuộc sống thêm hòa nhã, vui tươi. Những cuộc cãi vã không đáng có đều có thể được ngăn chặn ngay từ đầu bằng một lời xin lỗi chân thành.Những sự quan tâm và yêu thương càng nhân lên gấp bội nếu được lời cảm ơn nuôi dưỡng. Ngược lại, việc “tiết kiệm” lời cảm ơn và xin lỗi đang để lại những hậu quả mà chúng ta có thể nhìn thấy hàng ngàycon người dần bị tha hóa, trẻ em không biết quý trọng những gì mà chúng đang được tận hưởng, mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia tăng...

Trong cuộc sống, có hàng ngàn lý do để ta nói lời cảm ơn và xin lỗi.Chúng ta hãy nói cảm ơn và xin lỗi bất cứ khi nào có cơ hội và đừng để phải hối tiếc, ân hận vì đã không nói hai câu nàyĐể hình thành thói quen nói lời cảm ơn, chúng ta phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất.Bạn trở về nhà, nói lời cảm ơn mẹ về một bữa cơm, cảm ơn cha đã chở mình đến trường, cảm ơn đứa bạn luôn giúp đỡ mình trong khó khăn… Hay xin lỗi vì bạn đã nói dối, đã đến muộn, đã làm phiền mọi người, đã bị ốm khiến mẹ phải lo lắng... Điều hiển nhiên là khi chúng ta nói ra những điều ngọt ngào thì cuộc sống này sẽ thêm niềm vui, thêm tiếng cười và ý nghĩa.

Người xưa có câu:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Câu nói đó nhắc nhở chúng ta phải biết sử dụng lời ăn tiếng nói đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao trong giao tiếp. Nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng là cách để ta làm “vừa lòng” mọi người đồng thời khẳng định nhân cách, phẩm giá, trí tuệ của bản thân, khẳng định mình là một học sinh Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Bình luận :